70 tuổi vẫn tự tin đi đấu giải
Cuối tháng 9, các hộ trồng lan khắp TP.HCM lại tề tựu về hội thi nông dân sản xuất hoa lan giỏi ở huyện Củ Chi. Và người ta lại thấy nông dân tóc bạc Nguyễn Thị Bé đi thi vấn đáp. Bà Bé năm nay đã 70 tuổi, là chủ vườn lan mokara Minh Dũng 10.000m2 ở ấp Bến Đò 2 (xã Tân Phú Trung, Củ Chi).
Bà Bé giữa vườn lan của mình.
Hồi tưởng lại quá trình khởi nghiệp từ 16 năm trước, bà kể hồi đó ở Củ Chi có phong trào giáo viên về hưu rảnh rỗi thì đi trồng lan. Bà cũng là giáo viên về hưu. Lúc đầu chỉ nghĩ trồng hoa cho đẹp chơi, không được thì bỏ. Nhưng càng làm càng thấy loại cây này mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Khó khăn nhất khi đó là cây giống, vì hầu hết phải nhập từ Thái Lan. Đã vậy phải đợi 18 tháng sau mới biết kết quả. Nếu hoa không như ý có thể đổi lại nhưng đã tốn rất nhiều công chăm sóc. Giờ thì nông dân Củ Chi hoàn toàn tự chủ được nguồn giống. “Không chỉ riêng tôi mà nhiều nhà vườn bên Thái Lan sang tham quan đều bảo lan mokara Củ Chi đẹp hơn của họ” - bà Bé tự hào.
Có được điều đó, không chỉ vì thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp mà còn vì nông dân chịu khó và sáng tạo. Bản thân bà Bé cũng phải liên tục học hỏi và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để có được chứng nhận vườn lan sinh thái đẹp cấp thành phố như hôm nay.
Sau khóa học trồng và chăm sóc hoa lan cuối năm 2015, đến cuối 2016 bà mạnh dạn mở rộng diện tích lên 10.000m2. Việc đầu tiên, bà tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng. Khắp vườn lan được trang bị hệ thống tưới tự động. Nhờ bê tông hóa tất cả lối đi từ trước, vườn lan lúc nào cũng sạch sẽ, hạn chế cỏ dại. Khoảng đất trống còn dư, bà tạo không gian thông thoáng để hạn chế sâu bệnh. Hệ thống thoát nước cải tạo lại cho hợp lý, giá thể trồng lan từ cây tầm vông đổi thành ống nhựa sạch sẽ, bền chắc.
Bà áp dụng công nghệ Amino kết hợp các loại phân trung – vi lượng, phân hữu cơ sinh học đủ liều lượng, đủ thời gian nhắc lại. Còn thuốc bảo vệ thực vật, bà thường xuyên sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc sinh học để giảm ô nhiễm môi trường, không gây hại thiên địch mà cây được bảo vệ tốt hơn.
Bà Bé mô tả, một cây lan khỏe mạnh, sạch bệnh và đạt sản lượng thì lá phải dày, màu xanh đậm; gốc trồng 3 năm nhưng chưa hề rụng lá; vòi hoa phân nhiều nhánh, cánh hoa to, dày, màu sắc rực rỡ mà lâu tàn.
“Kể cả đi tham quan ở nước ngoài, chỉ cần liếc sơ vài cây lan, thấy không ưng mắt thì chẳng cần xem cả vườn. Vì đi xem là tìm cái hay để học, vào vườn xấu có khi còn mang bệnh về cho vườn mình. Ngay tại vườn tôi, bạn hàng cũng chỉ đứng nhìn phía trước, không được vào vườn cắt hoa hoặc tham quan” - bà Bé chia sẻ.
Bà còn dành một khu riêng để ươm cây con làm giống. Khi cây con phát triển thì đưa sang luống kế bên. Cây con được hạn chế phân thuốc, nông dân mua về dễ trồng lại hoàn toàn tin tưởng vào nguồn giống vì chiết trực tiếp từ cây mẹ. Căn cứ từ số lượng cây giống này, bà dễ dàng nhận đơn đặt hàng mà không phải bị động tìm nguồn từ vườn khác, lại không rõ chất lượng.
Kiếm 800 triệu đồng/năm
Bà Bé sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho người khác.
Bà Bé cho rằng khi diện tích nông nghiệp ngày càng thu hẹp, việc áp dụng công nghệ để mang lại hiệu quả cao là cần thiết. “Người trồng lan bây giờ không còn sợ rủi ro cao. Nhưng để tăng tính chủ động, nông dân không chỉ sản xuất giỏi mà còn phải biết kinh doanh”.
Bà kể, diện tích vườn lan rộng như thế nhưng bà mới thuê nhân công phụ việc chừng 1,5 năm nay. Trước đó, bà vẫn tự tay làm tất cả mọi việc từ kỹ thuật, tưới lan cho tới vệ sinh. Mục đích của bà là để sớm trả nợ ngân hàng, nhanh thu hồi vốn, rút ngắn thời gian thu lãi ròng. Với diện tích 10.000m2, hiện bà Bé trồng 30.000 gốc, mỗi tuần cung cấp từ 4.000 – 6.000 cành lan cho thị trường. Mỗi năm, vườn của bà còn xuất bán 10.000 cây giống.
Bà còn tự tin công bố bán giảm 20% so với giống nhập từ Thái Lan. Con số 20% này là bà tính vào khâu trung chuyển và lợi nhuận của thương lái. “Hễ tuyên bố là hô bán, tôi bán giống không sợ ế. Khách hàng đặt cọc xong là cắt một loạt mấy ngàn cây”.
Cũng vì làm đồng loạt như thế, tuổi của cả vườn lan sẽ đồng đều nhau. Cắt bán một lượt, cây giống ra một lượt, tất cả đều tăm tắp. “Phải làm đồng bộ như thế mới dễ nhận được các đơn đặt hàng lớn. Còn việc mua vài ba cây trồng chơi chẳng đáng tính làm gì. Mỗi năm, tôi thu nhập bình quân 800 triệu đồng”.
Từng đi tham quan ở nhiều nơi, bà Bé khẳng định không ở đâu nông dân được hỗ trợ nhiều như tại TP.HCM. Nhưng so với nhiều nước, nông dân mình vẫn phải tự bơi là chính. Việc nông dân hỗ trợ, giúp đỡ nhau là cần thiết. Không ít người bỏ việc ở vườn lan khác xin qua làm chỗ bà Bé. Vì không có nhu cầu, bà lại hướng dẫn họ cách mua bán lan rồi dần trở thành mối. Chính nhờ nhưng mối quen này, tuy nhỏ nhưng đã giúp cho bà rất nhiều những lúc hàng ế ẩm, dội chợ.
Hỏi về dự tính tương lai, bà Bé thật lòng cho biết nhiều hộ trồng nhỏ lẻ đã phải bỏ nghề vì không có lợi nhuận. Nhưng bà Bé vẫn kiên định ở tầm nhìn và quyết tâm tạo dựng thị trường và thương hiệu riêng. “Bạn hàng mua hoa ở vườn mình đảm bảo sẽ thường xuyên có hoa loại 1; đặt cây giống vườn mình đảm bảo cây giống chất lượng… Có như vậy mới sống được”.
Theo bà Bé, giá hoa lan không trồi sụt ồ ạt như các loại nông phẩm khác vì không được trồng đại trà. Dù được nhà nước hỗ trợ lãi suất nhưng muốn trồng lan phải có nguồn vốn đầu tư lớn, phải có kỹ thuật, thời gian thu lợi nhuận khá lâu.