Vực dậy công ty rồi xin nghỉ việc
Phạm Thị Vân Anh sinh năm 1988 (Bắc Giang), hiện là CEO một dự án khởi nghiệp, chia sẻ, cô thích kinh doanh từ nhỏ. Khi 10 tuổi, Vân Anh bắt đầu rủ bạn bè dậy sớm bán hoa ngày lễ tết. Sau đó, năm nào cô cũng kinh doanh cái gì đó, như mua bán sách cũ, hoa ngày lễ, đồ mỹ phẩm,...
Thi vào cấp 3, cô thường đặt câu hỏi cho mẹ theo kiểu: “Tại sao không có lớp chuyên Kinh doanh mà chỉ có lớp chuyên Toán, Lý, Hoá, Anh,... ?” Sau này khi vào đại học, cô chọn học kinh tế vì sẵn có máu đam mê kinh doanh.
Thời gian học, Vân Anh cũng thường xuyên rủ bạn bè cùng góp vốn để kinh doanh mỹ phẩm nhỏ lẻ. Song, cô nhận thấy con đường khởi nghiệp dường như vẫn chưa được định hình rõ ràng.
Từ bỏ công việc với mức lương 60 triệu, Vân Anh quyết tâm tách ra làm kinh doanh riêng để theo đuổi đam mê của mình
“Sau khi ra trường và đi làm ở khá nhiều nơi, đến nay, thành tích ấn tượng nhất của tôi là vực dậy công ty công nghệ thông tin Cinnamon của Singapore”, Vân Anh khoe. Về làm cho Cinnamon lúc công ty đang vô vàn khó khăn, sản phẩm liên tục thất bại. Thấy vậy, cô quyết định lập nhóm mới, định hướng lại sản phẩm, còn sếp thì qua Nhật Bản mời gọi đầu tư.
Không lâu sau, công ty được hồi sinh. Tuy nhiên, Vân Anh lại quyết định nghỉ việc dù được đề nghị làm giám đốc, với mức lương 3.000 USD/tháng (hơn 60 triệu đồng). Cô cũng từ bỏ khoản cổ phần trị giá 1 triệu USD (hơn 20 tỷ đồng) có được nếu đồng ý ở lại làm việc.
Đơn giản, Vân Anh lý giải, dù lương có cao đến mấy thì vẫn chỉ là người làm thuê và ăn lương. Cô muốn tự tách ra kinh doanh riêng để có thể đeo đuổi ước mơ của mình.
Khi Vân Anh nghỉ việc, hàng xóm xì xào bàn tán. Họ bảo với mẹ cô: “Sao nó có thể bỏ số tiền trị giá 20 tỷ, rồi lương hơn 60 triệu như thế? Nó có bị điên không? Nó mộng mơ như thế, em phải ngăn nó lại chứ”, Vân Anh kể.
Còn mẹ, kể cả khi Vân Anh đã làm công việc mới, vẫn khuyên cô rằng nên trở lại công ty cũ làm việc, còn chuyện khởi nghiệp thì có thể tranh thủ làm thêm buổi tối.
Mỗi tháng thu 4 tỷ đồng
Trò chuyện về dự án khởi nghiệp của mình, Vân Anh cho hay, khi nghỉ việc ở công ty cũ, cô đi du lịch, trong thời gian đó đã nảy ra ý tưởng mở dịch vụ “uber gia sư” một cách rất tình cờ.
Cô kể, trong dịp đi nghỉ ở Đông Nam Á, lần đầu tiên cô được trải nghiệm một dịch vụ taxi giá rẻ, tiện lợi, nhiều lựa chọn, chất lượng đảm bảo. Còn cô lại đang muốn triển khai một dự án kinh doanh giáo dục tiếng Anh. Vân Anh nghĩ, nếu mở được mô hình gia sư giúp mọi người kết nối với nhau, còn cô đứng ở giữa để đảm bảo mọi việc, thì quá tốt.
Sau khoảng 2 năm, đến thời điểm hiện tại mô hình "uber gia sư" của cô đã có doanh thu 4 tỷ đồng/tháng
Thời điểm đó, cô đang muốn học về lập trình web nên khá vất vả trong việc tìm kiếm lớp học online theo kiểu một thầy một trò. Hơn nữa, những dịch vụ như vậy rất hiếm và giá cũng đắt đỏ.
“Tôi nghĩ ở Việt Nam có rất nhiều bạn trẻ học công nghệ thông tin có thể dạy tôi với giá không quá cao, nhưng tôi không thể tìm được họ”, cô nói.
Tuy nhiên, chính từ những khó khăn bản thân gặp phải nên Vân Anh đã định hình ra được mô hình gia sư hoàn toàn mới, giống kiểu Uber taxi.
Theo đó, mô hình này sẽ giúp những người có nhu cầu học tiếng Anh tìm được thầy chất lượng, còn sinh viên nước ngoài có thêm thu nhập. Cả 3 bên đều có lợi.
Học viên có nhu cầu học tiếng Anh sẽ được mô hình “uber gia sư” giúp tìm thầy phù hợp nhất từ khắp nơi trên thế giới. Nếu không ưng, họ có thể đổi giáo viên. Mỗi buổi học là một chủ đề khác nhau và học viên nhận được giá trị học tập phù hợp nhất với mình. Làm như vậy thì việc học mới có hiệu quả.
Thế nhưng, thách thức của Vân Anh là mô hình này thực hiện ở lĩnh vực giáo dục, sản phẩm đưa ra đều phải chính xác và phù hợp. Đặc biệt, đối với giáo dục không có thời gian trả giá cho sự sai lầm. Vì thế, cô càng phải kiên trì.
Sau hai năm thực hiện, mô hình "uber gia sư" của cô đã có khoảng 1.000 học viên cả nước tham gia, đem lại doanh thu 4 tỷ đồng/tháng.
Theo Vân Anh, khi đã làm việc gì cũng nên lắng nghe tiếng nói sâu bên trong mình, tin tưởng và tập trung hết sức theo đuổi đam mê thay vì quan tâm đến việc người khác nói gì. Những việc bản thân mình thật sự muốn chắc chắn mình sẽ hoàn thành tốt.
“Ba mẹ và những người yêu thương luôn muốn giữ chúng ta ở phạm vi an toàn, nhưng nếu muốn đạt được những giá trị cao hơn thì bản thân phải lao động không mệt mỏi, dũng cảm và trả giá đắt hơn. Chẳng phải bài học từ nhỏ chúng ta đã thấy, chính nhờ ngược gió mà cánh diều bay lên”, cô đúc kết.