Cái tên Microsoft dường như luôn xuất hiện một cách tích cực trong suốt cả năm 2016 vừa rồi. Công ty đánh bại mọi kỳ vọng và tạo ra hàng núi tiền trong cả năm tài chính vừa qua. Tính đến cuối tháng 9, họ đã thu hút được hơn 400 triệu lượt cài đặt Windows 10, ra mắt một đối thủ với Slack và thậm chí cả một chương trình để tạo ra một thiết bị đeo VR giá rẻ.
Những thành công của họ trong năm nay vẫn chưa dừng ở đó: dưới sự lãnh đạo của CEO Satya Nadella, người lãnh trọng trách này từ năm 2014, công ty đã nắm được xu thế điện toán đám mây, thân thiện hơn với cộng đồng mã nguồn mở và tạo ra những sản phẩm phần cứng, phần mềm đặc biệt.
Windows 10
Đầu tiên, chúng ta phải thực tế một chút: Microsoft đã làm một việc tồi tệ khi buộc người dùng phải nâng lên Windows 10, bằng cách đưa hệ điều hành mới đến cả những máy tính chưa sẵn sàng nâng cấp và bắt buộc cập nhật ngay cả khi nó không thoải mái với người dùng.
Tuy nhiên, Windows 10 cũng là một hệ điều hành rất tốt. Nó chạy nhanh, tiện dụng và thoải mái khi sử dụng, đặc biệt nó có những bản sửa lỗi đều đặn kể từ khi phát hành đến nay. Ngoài ra, hệ điều hành này cũng có rất nhiều cải tiến hữu ích với Anniversary Update, bao gồm Windows Ink cho phép người dùng màn hình cảm ứng có thể vẽ lên các ghi chú và ảnh chụp màn hình, trợ lý ảo Cortana có thể gọi ra từ ngay màn hình khóa, liên kết Live Tiles trong Start Menu và cải thiện thời lượng pin với Edge.
Microsoft đang có nhiều kế hoạch lớn cho hệ điều hành này trong năm 2017. Bản cập nhật Creators Update, đã ra mắt vào tháng Mười vừa qua, sẽ mang các tính năng sáng tạo nội dung 3D tới phần lớn các ứng dụng Office, cũng như chương trình Paint. Game thủ sẽ có thể phát trực tiếp phần chơi từ ngay máy tính của mình. MyPeople sẽ cho phép bạn xem các đoạn văn bản, nội dung chat Skype và email từ tất cả liên lạc của bạn tại một nơi.
Thật thú vị khi thấy Microsoft có thể xây dựng một hệ sinh thái máy tính bàn ổn định như một nơi để mọi người có thể làm việc, sáng tạo và chơi – trong khi những phiên bản hệ điều hành trước dường như chỉ là một nơi cho mọi người cài đặt các ứng dụng bên thứ ba để làm bất cứ thứ gì họ cần. Hy vọng, bản Creators Update chỉ là sự khởi đầu của những tính năng và chức năng như vậy cho người dùng Windows.
Mã nguồn mở
Microsoft đã liên tục mã nguồn mở hàng loạt dự án của mình trong những năm gần đây, và năm 2016 cũng chứng kiến những điều tương tự như vậy. Đầu năm nay, họ mã nguồn mở engine mạnh mẽ Chakra JavaScript, cũng như công cụ xây dựng ứng dụng học sâu Computational Networks Toolkit.
Sau đó, họ cũng mã nguồn mở Xamarin – một công cụ để xây dựng các ứng dụng di động trên nhiều nền tảng khác nhau – và PowerShell, một command-line dựa trên tác vụ và ngôn ngữ dòng lệnh để quản lý các tác vụ hệ thống.
Vào tháng Chín, công ty còn có nhiều người đóng góp vào cộng đồng mã nguồn mở trên GitHub hơn cả Facebook, Docker, Google và Angular. Đây có thể không phải chỉ số mạnh nhất cho thấy sự đóng góp vào mã nguồn mở của công ty, nhưng so sánh điều này với bối cảnh một thập kỷ trước đây, thời điểm đó Microsoft còn không có tên trong danh sách này.
Và vào tháng trước, Microsoft đã tham gia vào Linux Foundation như một thành viên Bạch kim, nghĩa là công ty cam kết sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của nhiều các dự án mã nguồn mở. Thái độ này khác xa so với thời kỳ cựu CEO của Microsoft, Steve Ballmer, khi từng coi Linux là “một căn bệnh ung thư”.
Thực tế ảo và thực tế hỗn hợp
Thật khó để mô tả về những hình ảnh ảo mà chỉ người dùng trực tiếp mới thấy được, nhưng với những người đã dùng Hololens, họ đều tin rằng những lời đồn thổi không hề quá đáng. Đây thực sự là một sản phẩm hấp dẫn, dù vẫn còn nhiều việc phải làm về phần cứng (vùng nhìn thấy hiện tại vẫn còn hẹp) và các ứng dụng hỗ trợ cho nó.
Điều đáng nói là, Microsoft không chỉ mang đến bộ sản phẩm mẫu cho các nhà phát triển đúng như lịch trình, mà còn có thể bắt đầu bán nó ra công chúng và đưa nó vào nơi làm việc.
Thật thú vị khi thấy công ty biến cách tiếp cận này trở thành những trải nghiệm đầy nhập vai, và khác biệt hóa bản thân so với những thiết bị VR khác trên thị trường. Nhưng chúng ta sẽ phải đợi một thời gian nữa để thấy liệu điều này có giúp Microsoft dẫn đầu xu thế đó trong tương lai.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là Microsoft không bỏ qua VR. Thay vào đó, họ vẫn đang cạnh tranh với các đại gia lớn như Oculus hay HTC bằng cách liên kết với những nhà sản xuất thiết vị để phát triển các thiết bị đeo VR kết nối qua PC, có thể chạy trên những phần cứng thấp hơn và có mức giá chỉ bằng một nửa so với các đối thủ hiện tại.
Dù chưa biết những gì công nghệ nhập vai mạnh mẽ này của Microsoft sẽ mang tới những gì trong năm 2017, nhưng dù là gì đi nữa, nó đều sẽ là một trải nghiệm điện toán rất khác biệt so với cách thông thường chúng ta từng biết.
Surface Studio
Sau Hololens, Microsoft tiếp tục làm nhiều người phải kinh ngạc khi giới thiệu máy tính bàn chưa từng có của mình, chiếc Surface Studio. Một cỗ máy đầy sức mạnh với nhiều tính năng sáng tạo được gói gọn trong một vẻ ngoài sang trọng, thực sự là một quân bài làm thay đổi cuộc chơi cho những người sáng tạo.
Chiếc PC All-in-One này là một màn hình cảm ứng rộng 28 inch với độ phân giải 4.500 x 3.000 pixel, và có thể nghiêng ở góc 20 độ, cho phép bạn có thể làm việc trực tiếp bằng ngón tay, khối xoay điều khiển Dial hay bút Surface Pen.
Với mức giá cao ngất ngưởng của mình (giá khởi điểm là 3.000 USD), dường như nó sẽ không thu hút nhiều khách hàng, nhưng Microsoft đã tạo nên một tiêu chuẩn cho các thế hệ máy tính tiếp theo tại thời điểm mà họ cho rằng Apple cũng chuẩn bị làm như vậy. Thiết bị này cho thấy công nghệ cảm ứng của họ đang tiến xa hơn và nhanh hơn chúng ta kỳ vọng. Chiếc Surface Dial cũng cho thấy một phương pháp tương tác thông minh mới mà chúng ta chưa từng thấy trước đây.
Dù sao đi nữa, Microsoft vẫn chưa thể là một đối thủ lớn về phần cứng với Apple, có lẽ hiện tại chỉ có chiếc Surface Pro của họ mới đủ sức đối đầu với Cupertino trên lĩnh vực tablet. Tuy nhiên, không giống như Apple, họ vẫn còn vô số các nhà OEM sẵn sàng đi theo sự dẫn dắt của Microsoft và thúc đẩy các giới hạn về phần cứng trên nền tảng của họ, vì vậy mục tiêu có thể là thu hút sự chú ý của mọi người đến các khả năng và hiệu năng của Windows, một điều chiếc Surface Studio đã làm được.
Trò chơi điện tử
Microsoft đã tiến được một bước dài về phía thị trường game. Trong khi chiếc máy chơi game cầm tay Xbox One vẫn có được doanh số tốt, công ty đã cho ra mắt phiên bản nâng cấp, chiếc Xbox One S vào tháng Sáu. Nó hỗ trợ HDR, phát video trực tuyến 4K, với kích thước khung nhỏ hơn 40%, một controller được nâng cấp và có cả chip âm thanh của Dolby Atmos.
Đáng chú ý hơn, khi công ty thông báo về dự án Project Scorpio, thế hệ máy chơi game cầm tay tiếp theo dự kiến ra mắt vào dịp nghỉ lễ năm tới. Hãng hứa hẹn sẽ mang đến cho các trò chơi hình ảnh đầu ra 4K đích thực, nhờ vào bộ xử lý 8 lõi CPU và sức mạnh xử lý đồ họa 6 Tetraflop. Nó cũng hỗ trợ các tựa game và phụ kiện của Xbox One.
Một thành tựu khác của công ty trong lĩnh vực này là việc ra mắt Xbox Play Anywhere, khi cho phép bạn mua các game trên máy tính bàn hay Xbox One và chơi chúng ở bất kỳ nền tảng nào, ngay ở nơi bạn đang dừng lại mà không phải mua thêm một bản sao nữa.
Các ứng dụng công việc
Bộ Microsoft Office từ lâu đã là một trong những nguồn thu lớn của họ, vì vậy không ngạc nhiên mấy khi công ty gia tăng mạnh nỗ lực của mình lên các công cụ này trong cả năm qua.
Đầu tiên, họ ra mắt Teams, một ứng dụng nhắn tin theo nhóm để đối đầu với Slack. Không như đối thủ của mình, công cụ này tích hợp chặt chẽ vào bộ Office 365, cũng như Power BI và Skype với rất nhiều tính năng giúp giao tiếp và hợp tác dễ dàng hơn tại nơi làm việc.
Họ cũng mua lại Linkedin với mức giá 26 tỷ USD. Sau thương vụ vào tháng Sáu, mạng xã hội cho các chuyên gia đã đưa ra một số sáng kiến để cải thiện dịch vụ của mình, như thiết kế lại và sửa chữa lớn hệ thống nhắn tin của mình, ra mắt dịch vụ sắp xếp việc làm, một phiên bản rút gọn cho người dùng ở Ấn Độ, và một công cụ giúp bạn nắm được xu hướng lương trong khu vực địa lý và lĩnh vực của mình.
Microsoft cũng cải thiện các ứng dụng Office và Office 365 của mình bằng cách bổ sung những chi tiết như hỗ trợ các extension cho Office trong Mac, cho phép hợp tác theo thời gian thực trong Office 365, và đóng gói các tính năng lập lịch của Sunrise Calendar vào trong Outlook.
Công ty cũng cho ra mắt Flow, một đối thủ của IFTTT với trọng tâm hướng vào các công cụ năng suất kết nối cho các tác vụ tự động như gửi một email được tùy chỉnh theo một danh sách SharePoint mới được thành lập.
Nhưng vẫn có một vài thất bại
Microsoft vẫn chưa có chỗ đứng trên sân chơi di động và thiết bị đeo tay. Họ vật lộn trong nhiều năm để phát triển thị phần của mình với Windows Phone (theo IDC, thị phần của Windows Phone đã giảm từ 1,2% trên toàn cầu vào Quý 4 năm 2015 xuống còn 0,3% thị phần vào quý 3 năm 2016). Rõ ràng, một phần cứng dù đẹp cũng không thể là câu trả lời mà công ty cần.
Thay đổi nhận thức về nền tảng của mình với những người dùng di động hiện tại và mới sẽ đặt ra hàng loạt thách thức lớn, và vẫn chưa rõ nền tảng này còn đóng vai trò lớn cho chương trình của công ty trong năm 2017 và xa hơn nữa hay không. Ông Nadella cho biết trong tháng Mười rằng. “Chúng tôi rõ ràng đã bỏ lỡ thị trường điện thoại di động, điều đó không cần bàn cãi. Mục tiêu hiện giờ của chúng tôi là đảm bảo chúng tôi sẽ tăng trưởng những lĩnh vực mới.”
Microsoft cũng thất bại trong việc tạo dấn ấn trên thị trường thiết bị đeo. Họ chỉ đưa ra thiết bị tập thể dục Band và loại bỏ nó trong năm nay, khi thiết bị không thể gây ra tác động đến WatchOS hay Android Wear. Dù sao đây cũng không hẳn là một cơ hội lớn khi sự phổ biến của thiết bị đeo đã chậm dần trong năm 2016, nhưng dù sao vẫn rất nguy hiểm nếu bị bỏ lại phía sau như họ đã từng bị trên thị trường di động.
Dù sao năm 2016 cũng là một năm không tệ với Microsoft đấy chứ và sẽ rất thú vị để xem họ sẽ làm được gì trong năm 2017. Có rất nhiều việc họ cần làm, như tìm ra chiến lược cho mảng phần cứng di động, xây dựng các ứng dụng cho VR và MR (thực tế hỗn hợp) cũng như đánh bại Slack hay Facebook Workplace.